Tin Tức & Hoạt Động

Tản mạn tập 3 về âm nhạc

Nắng hè rực rỡ chói chang. Độ ẩm xuống thấp, mặt đường nóng hầm hập có thể tráng được cả trứng. Những lúc thế này chỉ mong muốn được nằm điều hòa bật một list nhạc không lời nhẹ nhàng mà thưởng thức.

Ấy vậy mà vẫn còn quá nhiều việc mà nhân loại đau khổ vẫn phải thực thi dưới sự giám sát của “ông” mặt trời. Ví dụ như việc bắc rạp, chuẩn bị tiệc cưới tại sân nhà văn hóa phường chẳng hạn

Mà với tinh thần “vui là chính, bùng cháy là chủ đạo”, những ca sỹ cây nhà lá vườn hình như quên mất là cặp loa cưới công suất lớn có tác dụng truyền dẫn âm thanh đi rất xa, có khi cả trăm mét. Và với những tiết mục không-được-hay-cho-lắm, âm thanh phát ra quả thực không khác gì một màn tra tấn điêu luyện 🙁

kara

Vậy thì thế nào mới là một tiết mục hát tốt? Có lẽ những người đang đọc bài viết này đều ít nhất 1 lần trong đời cầm mic karaoke rồi. Mọi người sẽ có những ý kiến trả lời khác nhau cho câu hỏi trên. Với tôi thì: trước khi vươn tới đẳng cấp “HAY”, ca sỹ phải hát “ĐẠT” cái đã. Vậy thì “ĐẠT” là gì? Đó là hát đúng nhịp, hát đúng giai điệu. 2 tiêu chí tối thiểu cho 1 ca khúc.

Đúng nhịp là sự đều đặn tuân thủ theo nhịp phách, tốc độ của phần beat đệm. Khoản này thì dân Việt ta nói chung là yếu lắm. Bà con phần lớn rất thụ động hát bằng mắt, nghĩa là dõi theo phần lời chạy rồi mới cất miệng nên không hề có sự chủ động trong việc giữ nhịp. Chậm 1 tích tắc là trễ nhịp hoặc vào sớm mất rồi. Hát đúng giai điệu? Mỗi ca khúc sáng tác ra được quy định rất rõ ràng về cao độ (nốt) ứng với từng câu chữ. Chệch ra khỏi giai điệu thành ra hát phô, lệch lạc, chẳng khác gì đọc rap. Vậy nên, trước khi xét đến các yếu tố “giá trị gia tăng” như chất giọng hay, truyền cảm, chiêu trò bản lĩnh thể hiện thì các ca sỹ cần phải để ý tới 2 tiêu chí căn bản của âm nhạc là nhịp và giai điệu đã. Hát “trúng” và hát “đúng”.

Có qua có lại, có trách móc ca sỹ thì nhạc công đệm hát cũng phải đảm bảo 2 tiêu chí trên trong phần đệm của bản thân trước đã. Giữ chắc nhịp, sử dụng đúng hợp âm – dù ở mức độ cơ bản nhất cũng đã giúp cho ca sỹ đồng hành có thể diễn trọn vẹn trôi chảy một bài hát rồi. Người chơi đàn nghiệp dư ở nước ta có một thói quen xấu là khi chưa vững hay đảm bảo được những tiêu chí cơ bản đã muốn học, làm phức tạp hóa mọi thứ lên cho “hay”. Trong cuộc sống nói chung và nghệ thuật nói riêng có một nguyên tắc bất biến. Sự phức tạp luôn tỉ lệ nghịch với chất lượng – trừ khi bạn đã đạt tới đẳng cấp rất cao, muốn gì là làm được thế.

Những học viên bắt đầu học đệm hát trên cây đàn Piano rất hay có xu hướng muốn làm “dày” phần đệm bằng cách sử dụng kỹ thuật “rải hợp âm”. Đây là một kỹ thuật khá khó và phức tạp với những beginner. Từ đó tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu tay chân, tư duy chưa vững mà đã cố gắng lạm dụng. Khi rải hợp âm, nhất là hợp âm khó bao gồm các nốt đen, bạn sẽ rất dễ bấm nhầm nốt, từ đó làm sai lệch hợp âm của phần đệm. Bên cạnh đó, người đàn cũng rất khó giữ đều được nhịp trong lúc các ngón tay phải hoạt động ở tốc độ cao. Chưa kể tới trường hợp gõ sai nốt, giật mình khựng lại hoặc tiếp tục hoảng loạn gõ sai tiếp các hợp âm sau đó. Làm sao ca sỹ có thể cũng khựng lại đợi đàn “hoàn hồn sửa sai” được? Do vậy, cũng như hát karaoke, trước khi đệm hay thì hãy đệm “trúng” và đệm “đúng” đã. Nhân tiện cũng chia sẻ luôn, không phải cứ rải hợp âm từ đầu chí cuối đã là đệm hay đâu nhé ^^

Mà nghĩ đi nghĩ lại cũng thật lạ. Cuộc sống đã không đủ mâu thuẫn, lo toan hay sao mà con người lúc nào cũng muốn xới tung mọi thứ cho nó phức tạp lên nhỉ? Hãy làm mọi việc vừa với sức mình tự lượng. Đến khi thành thục “hẵng” nâng cấp làm những thứ khó hơn. Thế mới là thuận theo tự nhiên chứ.

Panda

Bình luận