Tin Tức & Hoạt Động

Tản mạn tập 2 về âm nhạc

Tôi là 1 tín đồ của mùa đông. Yêu cái lạnh Hà Nội, yêu những buổi sáng mù sương mỗi khi gió mùa về. Tuy nhiên năm nay, chính cái nắng nóng oi ả mùa hè mới khơi dậy trong tôi những cảm hứng khiến tôi chịu khó mở Microsoft Word ra để chắp bút đôi dòng tản mạn.

Người Việt Nam nhìn chung có tính “sĩ diện” khá cao (liệu tôi có chủ quan quá khi kết luận như vậy?) Chính vì vậy, khoảnh khắc được chú ý, được tỏa sáng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều là niềm tự hào và kiêu hãnh của mỗi người chúng ta. Dân nghệ sỹ nói chung và dân nhạc nói riêng cũng không thoát khỏi quy luật đó. Ngồi chơi nhạc ở bất kỳ một sân khấu nào, từ café âm nhạc đến tiệc cưới nhà hàng, hội trường đại học… được “phiêu” cùng dòng cảm xúc luôn là niềm hạnh phúc nghề nghiệp lớn lao. Và hơn thế nữa, những lời tán dương, những tràng vỗ tay đều là chất xúc tác vô cùng quan trọng giúp cho tâm hồn cũng như ngón đàn của ta thêm phần thanh thoát, đắm say.

Một buổi tối thứ 7 đầu hè, như thường lệ là những câu chuyện xen giữa những làn khói thuốc lá trong giờ nghỉ giải lao 15 phút giữa 2 “tăng” diễn nhạc ở khách sạn nọ. 4 người đàn ông trong band nhạc, già có trẻ có, ngồi quanh bàn tròn với đủ thứ chuyện trên trời dưới biển – nghiêm túc thì ít mà tào lao thì vô kể. Khó có nghề nghiệp nào ở Việt Nam mà chuyện trò thoải mái và “bựa” như nghề nhạc. Trong một phút giây hiếm hoi chia sẻ nghiêm túc, một câu hỏi được đưa ra: “Muốn học nhạc thì anh phải cần những tố chất gì?”

learn piano

Đừng vội đọc nhanh câu trả lời bên dưới, hãy tự mình trả lời nhé các bạn. Tôi đoán nhiều người sẽ nghĩ ngay đến yếu tố “năng khiếu”. Chuyện, nhạc là nghệ thuật mà nghệ thuật không có năng khiếu thì vứt. Nhiều người khác lại cho rằng “cần cù bù thông minh” – chăm là sẽ giỏi. Suy nghĩ khá giống với thầy cô phổ thông vẫn hay rao giảng đúng không nhỉ?

Và đây là câu trả lời từ những bậc cao niên có tuổi nghề tầm 30-40 năm, theo thứ tự quan trọng hơn xếp trước…

  1. Trước hết, quan trọng nhất muốn chơi nhạc ta cần trí nhớ tốt: Dù là đệm hát hay cổ điển, trí nhớ tốt giúp chúng ta nắm được cách đàn một cách nhanh chóng, không phải mất thời gian tua đi học lại. Nó cũng giúp cho tác phẩm nhạc trở thành tài sản lâu dài của bản thân. Một vài người có trí nhớ tốt bẩm sinh, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện khả năng lưu trữ của bộ não thông qua việc tập trung, và coi học đàn là điều gì đó lớn lao cần phải được ưu tiên.
  2. Sau trí nhớ, tố chất mà người học đàn cần có là sức khỏe tốt: Muốn làm gì cũng cần có sức khỏe, chân lý này chẳng bao giờ lỗi thời. Tin tôi đi, những hôm trái gió trở giời, chỉ cần hắt hơi sổ mũi thôi là chân tay sẽ rệu rã uể oải có ép mình ngồi đàn cũng không thể tập trung được đâu. Vậy nên cố gắng hạn chế đừng để bị ốm mệt các bạn nhé ^^
  3. Đứng hàng thứ ba mới đến chăm chỉ, cần cù: Một học viên Piano bậc đại học trong nhạc viện có thể “cày” đàn từ 8-12 tiếng mỗi ngày để nâng cao trình độ. Tất nhiên với đại đa số, chúng ta không cần đến khoảng thời gian như thế vì ai cũng đều có việc riêng cả, đúng không? Nhưng ví dụ vừa nêu cho chúng ta thấy rằng, muốn đạt được một thành tựu nào đó thì thời gian công sức phải được đầu tư một cách chính đáng. Chúng ta từ con số 0 sẽ không bao giờ có thể học được đàn với thời gian biểu mỗi tuần tập một tí, tuần tập tuần nghỉ. Như vậy chỉ gọi là nghịch đàn cho kêu ra tiếng chứ không phải học đàn hay chơi đàn.
  4. Xếp “đội sổ” trong danh sách là năng khiếu: Đây là yếu tố phân loại người chơi đàn bình thường và người chơi đàn giỏi. Năng khiếu giúp cho con người nhanh chóng học và hiểu để nắm bắt được tác phẩm, cũng như điều khiển cơ thể để đàn ra được những âm thanh thật sự sâu lắng và chất lượng.
  5. Ngoài lề một chút, bên cạnh 4 yếu tố trên, muốn trở nên nổi tiếng, người chơi đàn giỏi cần thêm một số yếu tố “may mắn” mà nhiều khi bản thân không tự quyết định được. Ví dụ như sinh ra lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, hay như gặp một người thầy giỏi, gặp một ông bầu xịn, gặp một nhà tài trợ hảo tâm, hoặc đơn giản là gặp thời thế…

Trong số chúng ta, ai thật sự muốn chơi đàn giỏi hay trở nên nổi tiếng trong vai trò một nhạc công? Nếu chỉ coi đàn như một công cụ giải trí hỗ trợ trong cuộc sống, hãy rèn luyện sự tập trung, duy trì nền tảng thể lực tốt cũng như chăm chỉ tập đàn, các bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn.

Hoàn Dark

Bình luận