Tin Tức & Hoạt Động

PIANO: Phương pháp tự rèn luyện

Một chủ đề “bức bối” không chỉ với người học đàn mà ngay cả với người day. Giả thiết rằng bạn đã lựa chọn định hướng học Piano phù hợp và có trong tay 1 bài đàn phù hợp với khả năng bản thân. Làm cách nào để có thể “tự luyện” được? HDPIANO chia sẻ với các bạn một số điều cần lưu ý khi ngồi luyện đàn.

Chuẩn bị tốt

Nghĩa là mỗi khi ngồi tập đàn, bạn cần đặt bản thân trong trạng thái khỏe khoắn về cả thể lực lẫn tinh thần. Ốm đau sụt sịt không thể luyện đàn. Tập đàn mà lo nghĩ về hợp đồng chưa kí được, hay đơn giản chỉ là giặt giũ cơm nước sẽ không tập trung được.

Khi ngồi đàn, trước hết bạn cần chỉnh lại ghế ngồi cho ngay ngắn, chính giữa đàn. Khoảng cách ghế – đàn phù hợp với cơ thể nhằm đem lại cảm giác thư giãn thoải mái. Thả lỏng người, đặc biệt là đôi tay.

Tập lúc nào, bổ trợ ra sao?

Với những học sinh sinh viên thời gian nhiều thì rảnh và hứng lúc nào cũng có thể ngồi đàn được. Tuy nhiên với những người đã tốt nghiệp đi làm hay đã lập gia đình có con cái thì việc dành thời gian tự luyện đàn cần phải lên kế hoạch trước cho phù hợp với thời gian biểu của gia đình. Theo kinh nghiệm của người viết bài, có 2 quãng thời gian trong ngày khá hợp lý để tập đàn.

Sáng: mùa hè dậy sớm hơn 1 chút. Dành ra khoảng 5 phút luyện ngón tay cho cơ thể khởi động bắt nhịp với cuộc sống sau giấc ngủ. Tiếp đó dành khoảng 10-15 phút tranh thủ ôn lại những gì ngày hôm trước đã luyện được. Giống như trước khi bơi thì phải khởi động, luyện ngón rất quan trọng. Đừng vì nó nhàm chán mà bỏ qua.

Tối: sau khi làm xong việc nhà. Dành ra khoảng 20-30 phút yên tĩnh tập trung vào việc xử lý các nội dung mới. Như vậy, mỗi ngày các bạn đã có tầm 30-45 phút luyện đàn. Ngày nào cũng đều đặn như thế thì sẽ rất chóng có kết quả. Tôi có 1 công thức hay chia sẻ: 1×7 > 7×1 nghĩa là mỗi ngày bạn tập 1 tiếng sẽ có kết quả hơn là bỏ bê 6 ngày và ngày cuối học 7 tiếng.

piano keys

Nghiên cứu bản nhạc: chia để trị

Mỗi bản nhạc, dù là cổ điển hay đệm hát đều có đặc điểm chung: không phải tất cả các phần đều khó hay dễ như nhau! Để tự tập đàn, các bạn hãy đọc kỹ bản nhạc và chia nó thành những đoạn nhỏ phù hợp. Chúng ta sẽ tập đàn theo kiểu lắp ráp: tập riêng từng phần và nối chúng lại thành 1 bản hoàn chỉnh. Như vậy sẽ hiệu quả hơn là tập lan tràn cả bài.

Trong bản nhạc sẽ có những đoạn có độ khó cao hơn các đoạn khác. Có thể nhận diện chúng một cách đơn giản. Trên bản nhạc cổ điển, những chỗ nào nốt nhạc/ hợp âm dày đặc hơn, yêu cầu đánh tốc độ cao hay quãng rộng hơn là những chỗ khó. Trên bản tab đệm hát, những đoạn khó bao gồm các chuỗi hợp âm chuyển nhiều liên tục, hợp âm khó (dính nhiều nốt đen, hoặc pha màu). Hãy tách ra tập riêng thật kỹ càng những chỗ khó đó. Bắt đầu từ trước đó 1-2 ô nhịp để lấy đà và kết thúc ở 1-2 ô nhịp sau đoạn khó. 10 lần chưa được thì 20, 30 lần; thậm chí là vài ngày chỉ để thành thạo những “củ khoai” này.

Trước khi tập, các bạn – nhất là những người học cổ điển – có thể lên youtube tìm và tham khảo (không phải bắt chước) các nghệ sỹ trên thế giới biểu diễn mẫu. Chúng ta sẽ có cơ hội nhận diện những chỗ khó trên clip, học được phong cách biểu diễn, sắc thái thể hiện cũng như nắm được giai điệu chính của bản nhạc.

Chậm, chậm nữa, chậm mãi

Một sai lầm cơ bản của người tập đàn là bụp một cái rèn luyện ở tốc độ chuẩn của bản nhạc (đã nghe trên mạng). Một tình huống rất hay gặp là những đoạn dễ thì đánh nhanh, đến chỗ khó thì “bò như rùa”, lặp đi lặp lại cách tập như thế lâu ngày sẽ thành tật, thành thói quen rất xấu. Âm nhạc yêu cầu 2 yếu tố song hành là đúng và đều. Giống như tốc độ của đoàn tàu = tốc độ của toa tàu chậm nhất, tốc độ chung khi tập luyện của các bạn sẽ là tốc độ tập các đoạn khó nhất của bài. Hãy bắt đầu tập thật chậm, sau khi thông cả bài với tốc độ đó mới nhích dần lên từng bước một để đạt đến tốc độ chuẩn. Luôn ghi nhớ: CHẬM + ĐỀU!

Để giữ bản thân được tỉnh táo tập chậm và đều, một loạt các tiến bộ công nghệ sinh ra để hỗ trợ người đàn. Các bạn tập Piano điện sẽ tìm thấy nút chức năng gõ nhịp (metronome) trên đàn. Các bạn tập Piano cơ có thể cài vào điện thoại thông minh của mình phần mềm tự động gõ nhịp. Hãy để tốc độ khởi sự ở mức thấp (thường là 30-35 cho mỗi nốt đen/ phách trong nhịp). Sau khi đã đàn được ở tốc độ này thì tăng dần lên 40, 45, 50…

1 hay nhiều

Nhiều người vẫn hỏi tôi là nên tập cùng lúc nhiều bản nhạc hay chỉ nên tập riêng từng bài, xong rồi mới triển tiếp? Tôi vẫn nghiêng về sự tập trung dành cho âm nhạc: những người mới tập đàn cần huy động sự tập trung cao nhất dành cho từng tác phẩm; và sẽ khó có thể dành sự tập trung cao độ như thế cho vài bài cùng lúc. Tất nhiên sẽ có những lúc gặp đoạn khó chán nản vì lâu không tập được. Lời khuyên của tôi dành cho các bạn: mỗi khi gặp những hoàn cảnh nhu vậy, các bạn hãy tạm dừng lại thư giãn, đàn lại các bài trước đây mình đã đánh thạo được để “triệu hồi” cảm hứng.

Các bạn cũng có thể tập song song 2 tác phẩm cùng lúc: 1 bài khó và 1 bài dễ hơn. Để khi gặp rắc rối với bài khó, chúng ta có thể quay sang bài dễ “làm gỏi” nó trước, đem lại cảm giác “AQ tự sướng” nâng cao tinh thần rồi mới quay lại tiêu diệt những đoạn khó của bài kia.

Mấy điều nho nhỏ chia sẻ bên trên, thực ra rất khoa học và đơn giản. Ai cũng có thể tự suy luận được. Nhưng quan trọng là hãy giữ những điều đó liên tục trong tâm trí để rèn luyện ý thức và thói quen tốt khi luyện đàn. Chúc các bạn thành công!

Hoàn Dark

Bình luận