Tin Tức & Hoạt Động

Học Piano: HỎI & ĐÁP (phần 8)

Học Piano: HỎI & ĐÁP (phần 7)

Học Piano: HỎI & ĐÁP (phần 6)

Hiện nay, cây đàn Piano đã trở nên phổ cập và quen thuộc với người dân Việt Nam. Nhiều gia đình, cá nhân có khả năng và điều kiện trang bị Piano và có nhu cầu học đàn. Tuy nhiên hiểu biết về việc học nhạc cụ này vẫn còn hạn chế dẫn đến nhiều băn khoăn và lo lắng. Trong seri bài viết chuyên mục HỌC PIANO: HỎI & ĐÁP, HDPIANO sẽ tư vấn giải đáp cho người đọc các câu hỏi thường gặp khi quyết định mua đàn cũng như học đàn. Các bạn cũng có thể LIÊN HỆ trực tiếp với HDPIANO để gửi câu hỏi và nhận được giải đáp trực tiếp từ chúng tôi.

Sự khác biệt giữa khóa Đệm hát cơ bản và Đệm hát nâng cao tại HDPIANO?

Ở khóa học Đệm hát cơ bản, HDPIANO giới thiệu những công cụ, công thức đệm đàn đơn giản dễ thuộc để các học viên có thể nhanh chóng “được việc”, nghĩa là xây dựng được những phần đệm cho hầu hết các ca khúc trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, khóa học Đệm hát nâng cao yêu cầu các học viên phải vận dụng cảm nhận nhiều hơn để thổi vào ngón đàn những cá tính bản thân nhằm đưa ra phiên bản đệm hay và hợp lý hơn. Nhiều công cụ, ví dụ như hợp âm mới, kiểu đệm mới… cũng được giới thiệu nhằm giúp các đầu bếp piano có thêm lựa chọn trong quá trình xào nấu.

Để học đệm hát ở level nâng cao, bạn cần gì?

Lẽ dĩ nhiên, học nâng cao sẽ khó khăn hơn so với cơ bản nên bạn cần dành nhiều thời gian hơn cho việc tu luyện. Dành thời gian tập các kỹ thuật khó khăn hơn, dành thời gian luyện các bộ hợp âm mới cho quen tay. Dành thời gian để “thí nghiệm, nghịch ngợm” thật nhiều các phiên bản đệm khác nhau để nâng cao sự linh hoạt và tự rút ra những mô típ, ngón đòn hợp lý.

Và quan trọng nhất, bạn cần phải tập nghe nhạc nhiều và cẩn thận hơn. Không phải là nghe lời hát, ngắm ca sỹ nữa mà để ý tới tinh thần chung của ca khúc, cũng như cách các nhạc công chuyên nghiệp đệm đàn nữa.

Tóm lại, nếu mỗi ngày bạn dành ra trung bình 30 phút để luyện đệm hát cơ bản thì ở level nâng cao bạn sẽ cần 1-2 tiếng nghe nhạc, cộng thêm ít nhất 1 tiếng luyện đàn thì mới nhanh chóng đạt được sự tiến bộ rõ rệt.

So sánh việc học đệm hát gia sư với theo lớp?

Học gia sư nhìn chung có những ưu điểm nhất định so với học nhóm đông người. Được kèm cặp riêng, với giảng viên luôn sát bên quan tâm sẽ tập trung hơn. Không phải đeo tai nghe khó chịu (nhiều khi mỏi/ đau tai lắm). Lịch học cơ động hơn, nếu bận thì có thể hoãn học hoặc bố trí học bù.

Tuy nhiên với nghạch nhạc nhẹ (đệm hát), những ưu việt trên chưa hẳn là bản chất của vấn đề. Đệm hát, trước hết là làm việc với các ca khúc, với giọng hát. Nên một nhóm nhỏ có thể đem lại tinh thần học vui vẻ tích cực hơn so với solo 1 mình. Có những bạn học cùng lớp để thi đua phấn đấu. Và nhất là một lớp học theo khóa sẽ có những lịch trình tua kiến thức/ thực hành chặt chẽ, học viên sẽ có áp lực kỷ luật để đi học đều đặn, tập bài đầy đủ không trễ nải.

Làm sao có thể tự nghe và viết hợp âm cho ca khúc?

Đây là việc luyện tai nghe và rèn sự phản xạ với âm thanh phát ra từ các nhạc cụ. Tai cũng là 1 bộ phận của cơ thể, do đó nó cần rèn luyện đều đặn có phương pháp để cải thiện được độ thính nhạy.

Trước hết, phần đệm được tạo thành bởi 1/ nhiều nhạc cụ và xậy dựng trên cơ sở các hợp âm. Hợp âm là tổ hợp của các nốt nhạc. Do đó việc đầu tiên là tập nghe và nhận diện chính xác các nốt nhạc phát ra từ các nhạc cụ khác nhau, có thể bắt đầu với một nhạc cụ cơ bản phổ thông như đàn Piano.

Trong hợp âm, nốt quan trọng nhất là nốt bass (trầm nhất), bạn hãy cố gắng nghe và nhận biết các nốt ở quãng trầm nhé. Sau đó là việc luyện nghe, dự đoán các hợp âm.

Nhạc lý đóng vai trò cũng không kém phần quan trọng. Việc biết được tone của 1 ca khúc sẽ cho 1 số lựa chọn các hợp âm cơ bản có thể tồn tại trong hòa thanh của phần đệm. Học nhạc lý để biết được các hợp âm dùng để thay thế cho những hợp âm cơ bản.

Nên nghe từ những bài dễ (tone dễ, vòng quen thuộc dễ đoán) – đa phần là các ca khúc nhạc trẻ thị trường. Sau đó mới mon men dần tới những bài kinh điển hơn.

Dù là ca khúc nào thì cũng cần rèn luyện thói quen nghe nhạc thật kỹ. Đừng để ý tới ca từ, ca sỹ, các câu solo. Tập trung vào nốt bass, các nốt thuộc giai điệu. Nghe đi nghe lại 1 bài hàng chục hàng trăm lần. Dò và viết hợp âm từng câu từng đoạn một.

Và cuối cùng là tập đối mặt với những khó khăn, thất bại. Sự kiên trì đóng vai trò then chốt ở đây. Như các cụ đã nói: “mèo già hóa cáo”, bạn tập nghe 100, 200, 300 bài… Chắc chắn trình tự viết hợp âm của bạn sẽ có kết quả ^^

Giảng viên Đệm hát

Bình luận