Trước hết khẳng định luôn là dân Việt Nam nhắc đến nhạc với đàn là thích, nhưng khi cần nhích thì có n thứ đặt lên đặt xuống tính toán. Nhiều người coi việc học giống như mua gói bột giặt. Có mua dùng thử, tại sao lại không có “học thử”? Học thử ở đây nghĩa là không cần đầu tư trang bị gì cả, chỉ cần tới lớp hóng để biết “liệu” mình có phù hợp với âm nhạc hay không. Thật sự đây là một quan niệm rất ấu trĩ. Nếu muốn học thử, tốt nhất là không nên và không cần phải học làm gì cho khổ. Lý do:
Học nhạc không khác gì học tiếng Anh hay học văn hóa, ai cũng học được chứ không phải gì cao siêu ghê gớm. Nhất là với những tiến bộ của công nghệ, tư liệu nghe nhìn giảng dạy cũng như phương pháp sư phạm. Quan trọng là người học có muốn hay có chịu học hay không mà thôi.
Học đàn cũng là tập chuyển động của đôi bàn tay, không khác gì làm nghề thủ công “trăm hay không bằng tay quen”. Sẽ không bao giờ có kết quả nếu chỉ tới lớp rồi về nhà không làm gì cả. Họa sỹ sẽ không bao giờ vẽ được tranh nếu không có giấy bút.
Vậy nên, ai cũng có thể học đàn được. Nhưng phải ĐẦU TƯ! Đầu tư thế nào cho khôn ngoan hợp lý tránh lãng phí? Có một số gạch đầu dòng như sau:
- Khi mua đàn cần hoạch định rõ khả năng tài chính của bản thân. Điều kiện phòng ốc, không gian và thời gian dành cho tập đàn cũng là những yếu tố quan trọng. Ví dụ: nếu bạn đi làm về muộn và chỉ tranh thủ tập đàn được khi mọi người trong nhà đã đi ngủ, thì đừng mua đàn cơ – kể cả có lắm tiền đi nữa.
- Nếu là học Piano, nhất là Piano cổ điển thì đừng quá hà tiện mà mua đàn keyboard (organ). Thiếu phím và phím nhẹ rất lều phều.
- Không nên tham rẻ mà mua những cây Piano thanh lý giá siêu thấp tầm 4-5 triệu. Thứ nhất là bảo hành rất ngắn. Thứ hai là mua về dễ phát sinh bệnh tật phiền toái làm giảm ham muốn tập đàn =]]
- Đừng dồn sức tậu 1 cây đàn thật hay thật đắt ngay từ đầu. Nên bắt đầu với 1 cây đàn khiêm tốn, sau một thời gian nhất định tập đàn, làm chủ cây đàn hẵng “lên đời”. Bạn sẽ cảm nhận thấy rõ ràng sự tiến bộ cũng như trân trọng những cố gắng của bản thân.
- Không nên mua đàn mới kính coong đập hộp. 1 cây đàn mới đắt gấp 2-3 lần so với đàn second hand. Mẫu mã lựa chọn cũng hạn chế hơn.
- Ví dụ: tầm 20tr bạn chỉ mua được những cây đàn piano điện mới với phím, loa, chức năng tương đối hạn chế, sản xuất tại Indonesia, bảo hành 1-2 năm. Trong khi với từng đó tiền có thể mua được những con đàn bãi cực tốt sản xuất tại Nhật, bảo hành 1 năm. Thậm chí tầm tiền đó có thể mua được cả đàn cơ nữa. Hình thức gần như không có sự khác biệt giữa cũ – mới!
- Ví dụ: tầm 7000$ bạn chỉ mua được đàn Yamaha mới upright, nhưng với đồ second hand thì chừng đó đã múc được grand piano – vừa hay vừa oách hơn nhiều.
Quan trọng nhất khi mua đàn là hãy tận dụng hết công năng của cây đàn đó. Tập đàn học đàn đều đặn để vài năm sau khi hết vòng đời sử dụng, trình độ của bạn đã khác hẳn. Cho tới lúc đó, bạn vẫn có thể bán thanh lý cây đàn cũ đi để thu hồi chút vốn tái đầu tư cho cây đàn mới.
Chúc các bạn thoải mái, bớt lăn tăn khi cân nhắc học và chọn mua đàn.
Bình luận