Tin Tức & Hoạt Động

“Đối đầu” – Piano vs Guitar

Một chủ đề xưa cũ và nhàm chán như Trái Đất. Nhưng vẫn là băn khoăn hiện hữu nơi những người yêu nhạc Việt Nam. Tôi phải trả lời các bạn rằng: 2 nhạc cụ này đều là những văn minh tinh hoa của nhân loại, đặc biệt là người Châu Âu. Mỗi nhạc cụ đều có cái hay, cái đẹp riêng nên chúng ta không nên đặt lên bàn cân xem món nào “hay” hơn. Cả 2 đều tạo ra những âm thanh tuyệt vời làm say đắm lòng người. Bài viết, dựa trên quan điểm của người viết được đào tạo Piano cơ bản sau đó tự học Guitar, với mục đích so sánh những đặc điểm của Piano và Guitar. Từ đó giúp người mới làm quen với âm nhạc hiểu được thêm những đặc tính của 2 nhạc cụ này. Lưu ý thêm là so sánh 2 nhạc cụ mộc nguyên bản chứ không phải guitar điện hay piano điện/ keyboard có sự can thiệp của công nghệ điện tử.

1. Cách chơi

Để chơi Piano, ta gõ vào 1 phím (phím trắng/ đen), qua bộ máy cơ học (đòn bẩy, lò xo…) mà 1 chiếc búa tương ứng với phím gõ vào dây gắn cứng trên khung đàn. Trong khi đó, để chơi Guitar, ta dùng 1 tay để nhấn chặn dây, 1 tay kia gảy móc trực tiếp vào dây đàn.

2. Âm vực (độ rộng của dải âm thanh)

Piano gồm 84-87 phím, tương đương 7-7,5 quãng nốt. Trong đó 6 dây Guitar chỉ bao quát được tối đa tầm 4 quãng nốt. Như vậy, âm vực của Piano rộng hơn so với Guitar, từ đó thể hiện được nhiều nốt/ hợp âm khác nhau hơn, làm phong phú bản nhạc hơn.

piano

3. Cấu tạo của phần phím đàn

Mỗi phím đàn Piano tương ứng với 1 nốt riêng biệt, càng sang phía phải đàn thì âm càng cao. Trên mỗi dây Guitar, mỗi phím cũng tương ứng với 1 nốt, càng gần thùng đàn thì âm phát ra càng cao. Guitar có 6 dây, ta có thể coi như 6 cái piano con chồng lên nhau như hình bậc thang, trong đó bậc sau đè chồng lên bậc trước 1 chút. Điều này cho phép chơi 2 nốt nhạc giống nhau ở những dây khác nhau, ta gọi là quãng 0. Piano không có khả năng này.

4. Âm lượng

Với hộp cộng hưởng lớn, Piano cho ra âm lượng to hơn nhiều so với Guitar mộc. Sự nhỏ nhẹ của âm thanh Guitar thích hợp để chơi trong các không gian yên tĩnh nhỏ gọn, thu hút sự tập trung của người nghe. Piano nếu chơi trong phòng nhỏ sẽ gây cảm giác ồn ào, đôi khi là khó chịu. Tuy nhiên về độ tương phản sắc thái, Piano thể hiện tốt hơn. Guitar chơi cùng lúc 6 nốt 1 lúc (mỗi nốt 1 dây) khi dập hoặc quạt. Piano, về nguyên tắc có thể đánh 12 nốt 1 lúc (mỗi tay 6 nốt, ngón cái đè được 2 nốt cạnh nhau). Và bổ từ trên cao xuống, lực nhấn luôn khỏe hơn là móc ngược dây đàn Guitar từ dưới lên.

5. Âm sắc

Như đã nói ở phần cấu tạo, tiếng Piano phát ra từ dây đàn qua 1 bộ máy cơ học. Các nốt phát ra có âm sắc cơ bản như nhau. Ngược lại, tiếng Guitar phát ra do tay đàn trực tiếp tác động vào dây. Sự tác động trực tiếp này cho phép người chơi tạo ra những âm sắc đa dạng khi sử dụng Guitar, như tiếng luyến nốt, bịt dây, quạt dây, bồi âm, band (kéo) dây, rung dây (vibrato),… Do vậy về hiệu ứng âm thanh, Guitar tỏ ra nhỉnh hơn so với Piano.

6. Về độ cơ động trong cách chơi

Piano có pedal (bàn đạp chân) cho phép ngân vang tiếng đàn kể cả khi ta nhả phím. Trong khi đó, khi ta nhả tay thì tiếng Guitar cũng ngóm theo. Khi chơi Guitar, việc giữ chặt các dây (thường là tay trái) làm hạn chế sự cơ động khi đàn. Do vậy nhiều bản nhạc Guitar chỉ soạn/ chuyển soạn trên các gam và hòa thanh thuận lợi như C, D, E, G, A

Để khắc phục phần nào hạn chế này, người chơi Guitar có thể điều chỉnh các dây đàn một cách dễ dàng qua việc lên/ hạ 1 hay nhiều dây thông qua khóa đàn gắn ở đầu cần. Hoặc đơn giản nữa là xài cái capo kẹp dây nhằm tăng cao độ riêng cho từng dây hoặc toàn bộ 6 dây. Dân chơi đệm hát hoặc finger style rất hay xài đạo cụ này. Ưu điểm là dễ dàng. Nhưng nhược điểm thì cũng nhiều: làm người chơi lười tập các thế bấm khó, và cũng kém cơ động (ví dụ: không thể xài capo để chỉ chặn dây số 1, 3, 6 được)

Người tập Piano sẽ gặp phải những thử thách lớn khi phải “dịch giọng” vì các gam, các hợp âm, các nốt khác nhau sẽ cho ra những thế tay hoàn toàn khác nhau. Ví dụ từ bài gam C lên bài gam Db, lệch 1 li là khó lên 1 dặm. Nói chung là 2 nhạc cụ, cháu nào cũng có những thử thách riêng mà ai cũng phải trải nghiệm.

guitar

7. Những “đau đớn” khi tập đàn

Tập Guitar trước hết là tay bấm dây sẽ đau nhức, cho đến khi mọc “chai tay”. Đây là khó khăn lớn nhất cho dân mới tập. Sau đó là ngón cái tay bấm mỏi nhừ khi liên tục phải tì và ôm cần đàn. Tiếp đó khi bấm các hợp âm, thế gam khó, các ngón tay sẽ phải xoạc ra gây không ít đau đớn. Tay móc dây đàn thỉnh thoảng giật mình sai kỹ thuật cũng dẫn đến tình trạng gãy móng.

Tập Piano có vẻ nhẹ nhàng tình cảm hơn, nhưng người mới tập chơi hay gặp phải tình trạng cứng tay, từ đó mỏi nhừ cả cánh tay. Ngoài ra các hợp âm quãng rộng cũng là thử thách rèn luyện. Khi chơi các bài liên quan đến nốt đen, bấm hụt nốt rất dễ làm phần da thịt gần móng tay bị xước rất khó chịu. Ngoài ra theo Piano thì bộ móng tay cũng phải cắt cụt đi, chị em thích làm nail tập xác định luôn cho gọn.

8. Kích thước, độ bền

1 em Piano đứng (không phải Grand Piano) có khối lượng khoảng 250-300kg, chiếm 1 không gian không nhỏ. Ngược lại, Guitar gỗ phổ thông nặng chưa quá 5kg, nhỏ gọn có thể đút vào bao và xách được. Chính sự nhỏ gọn cơ động này là một trong những nguyên nhân lớn nhất giúp Guitar trở thành 1 nhạc cụ phổ thông bậc nhất hiện nay. Tuy nhiên ở khía cạnh độ bền, rõ ràng 1 vật thể to nặng vững chãi như Piano có độ bền cao hơn hẳn so với Guitar, nhạc cụ khá mảnh mai và đỏng đảnh. Nhạc cụ 6 dây này rất hay mắc các bệnh liên quan đến cần đàn như cong, vặn, xoắn – đặc biệt là khi để trên ghế và chẳng may rơi rầm 1 phát. Dây đàn Guitar cũng thường xuyên bị tụt giãn dẫn đến tình trạng xuống dây mà ta rất hay phải căn chỉnh vặn khóa cho đúng tiếng chuẩn.

9. Chi phí, giá thành

Thêm 1 lý do nữa nhiều người lựa chọn Guitar. Trong bối cảnh đất nước kinh tế nói chung còn nhiều khó khăn, việc mua 1 cây Guitar “nhạc viện” mới toanh giá dưới 1 triệu để bắt đầu tập đàn sẽ dễ dàng hơn nhiều so với 1 con Piano second-hand giá hơn 20 triệu. Phụ kiện Guitar như dây đàn, móng đàn, bao đàn cũng rẻ và phổ thông. Tuy nhiên xã hội cũng đang chuyển mình, khiến Piano ngày càng phổ thông hơn. Nhiều gia đình có điều kiện đã đầu tư mua đàn Piano, thậm chí là đàn mới kính coong. Piano ngoài việc là 1 nhạc cụ để học, còn là vật trang trí rất ý nghĩa và hoành tráng cho ngôi nhà. Người mới học đàn có thể lựa chọn Piano điện, tuy âm thanh không đẹp như Piano cơ nhưng nhỏ gọn cơ động và rẻ hơn nhiều (tầm 8-12 triệu là có thể sở hữu 1 em rồi).

Trên đây là 1 số so sánh cơ bản giữa 2 loại nhạc cụ phổ thông nhất hiện nay. Một lần nữa, không có câu trả lời cho câu hỏi nhạc cụ nào hay hơn/ kém hơn hay cái nào dễ/ khó hơn. Nếu bạn đã yêu thích và học đàn nào, bạn cũng đều phải kiên trì theo đuổi nó, vượt qua những khó khăn đặc thù. Chúc các bạn đàn ngày càng hay và điêu luyện, góp phần làm đẹp cho cuộc sống của chính bạn và sự phát triển của xã hội văn minh hơn.

Hoàn Dark

Bình luận