Tin Tức & Hoạt Động

Tản mạn tập 6: Dấu chấm dôi

Những ai tập Piano cổ điển, không cần quá ghê gớm cũng biết dấu chấm dôi. Một dấu chấm nhỏ bên phải nốt nhạc, có tác dụng làm tăng trường độ của nốt đứng trước nó lên gấp rưỡi (1,5 lần)

Vậy thì:

  • Nốt trắng = 2 >>> Trắng chấm dôi = 3 (quá dễ)
  • Nốt đen = 1 >>> Đen chấm dôi = 1,5 (dễ)
  • Nốt móc đơn = 0,5 >>> Móc đơn chấm dôi = 0,75 (bắt đầu căng thẳng hơn, nhưng vẫn kiểm soát được)
  • Nốt móc kép = 0,25 >>> Móc kép chấm dôi = 0,375 = 3/8 (@@)

Sắp tới Trung thu, đưa các bạn chiếc bánh nướng hình tròn, bảo cắt ra một phần = 3/8 chiếc bánh, mấy ai dám chơi ngay?

Lại nói về ca khúc. Bên dưới là trích đoạn chuyển soạn Piano cho một ca khúc, với giai điệu khuông nhạc trên (khóa Son) là các nốt nhạc với trường độ bình thường. Khuông nhạc dưới có vận dụng đa dạng các nốt chấm dôi.

Một ca khúc hay (khoan không nói tới phần lời phải ý nghĩa, sến sẩm… chỉ nói tới phần NHẠC) cần phải đạt được sự phong phú về cao độ và trường độ của các nốt nhạc thuộc giai điệu). Cao độ các nốt nhạc phong phú sẽ tránh đưa giai điệu vào tình trạng luẩn quẩn dễ đoán. Trường độ nốt nhạc phong phú sẽ giúp giai điệu tránh được cảm giác đều đều ít cảm xúc.

Khi dạy các lớp Piano cover tại HDPIANO, tôi nhận thấy đa phần các học viên khi luyện nghe và mò chơi lại giai điệu của ca khúc đều gặp phải một tình trạng chung. Đó là việc ngộ nhận biến trường độ của các nốt nhạc thành các đơn vị phổ thông dễ dàng (1 hoặc 0,5). Hay nói cách khác, người đàn có xu hướng chơi các nốt nhạc trùng vào các phách. Hệ quả là giai điệu ca khúc bị xô lệch chông chênh, đúng mà chẳng đúng.

Nhiều khi một nốt nhạc thả sớm/ muộn 0,25 hoặc 0,125 so với phách của nhịp sẽ tạo hiệu ứng âm thanh tự nhiên, phiêu hơn. Giải pháp: nghe nhạc và tự gõ nhịp đều thật kỹ, tập nhạc cổ điển có sheet để cảm nhận về nhịp tốt hơn.

Mời các bạn thử đàn và cảm nhận sự khác biệt qua bản nhạc sau. Không còn mùa thu, sáng tác: Việt Anh.

Hoàn Dark

Bình luận