Tin Tức & Hoạt Động

Chuyện cái gõ nhịp…

Trước hết phải khẳng định luôn là so với mặt bằng chung của thế giới, khả năng âm nhạc của mặt bằng người Việt Nam đang ở mức trung bình kém. Chưa nói đến chuyện chơi nhạc cụ giỏi, hát hay – chỉ riêng việc đàn/ hát đúng thôi đã là cả một vấn đề khó khăn.

Tôi đã từng viết một bài “Tản mạn” về thực trạng đàn hát ở nước nhà: một trong yếu tố làm nên sự đúng đắn của một bản nhạc, một ca khúc – đó là tuân thủ theo sự đều đặn của nhịp phách, tốc độ được quy định. Người chơi đàn hay gặp phải 3 tình trạng sau:

– Chỗ dễ thì đánh nhanh, chỗ khó thì đàn chậm lại, rất tùy tiện

– Càng ngày đàn càng nhanh, gấp gáp: thúc nhịp

– Càng ngày đàn càng chậm dần lại: chảy nhịp

Vấn đề thứ nhất thuộc về ý thức, kỷ luật tập đàn. Phải luôn nhớ rằng người tập đàn không bao giờ có khả năng chơi được nhanh như tốc độ của “bản gốc” khi mới tập. Nên cần bắt đầu  thật chậm, xử lý triệt để những chỗ khó, sau đó mới nhích tăng dần tốc độ mới có thể thành công được.

Vấn đề thứ 2 và thứ 3 thuộc về bản năng, cảm nhận. Như đã nói cảm nhận của dân ta còn tương đối yếu. Thúc nhịp hoặc chảy nhịp nhưng bản thân không nhận ra. Đến khi bạn diễn hay người ngoài khách quan nhắc nhở mới giật mình tỉnh cơn mê.

Máy gõ nhịp vật lý: cồng kềnh, đắt, bất tiện

Những điểm yếu, tật xấu trên có thể được khắc phục với việc sử dụng công cụ đếm gõ nhịp hỗ trợ!

Cái thời công nghệ chưa phát triển, dân chơi nhạc phải trang bị máy gõ nhịp vật lý (metronome) hoạt động theo nguyên tắc con lắc. Tôi còn nhớ hồi cuối những năm 90, giá của một cháu là 500k VNĐ chẳng hề rẻ. Muốn sử dụng phải điều chỉnh gạt con lắc tới tốc độ tương đối, vặn dây cót thì nó mới chịu “lắc” đều. Cứ sau tầm 10 phút lại phải vặn dây cót lại 1 lần thật bất tiện.

Còn ngày nay, những chức năng gõ nhịp đơn giản như vậy, thậm chí là nhiều thứ phức tạp hơn thế (chùm 3, chùm 4, chùm hở, chấm dôi, lưu bài…) đều đã có thể tích hợp trên chiếc điện thoại thông minh trong túi quần mọi người. Chỉ cần lên mạng download phần mềm về (hầu hết là miễn phí) sau chưa đến 1 phút là có thể nhanh chóng sử dụng, chỉ với vài thao tác vuốt hay bấm màn hình. Quá tiện lợi.

Phần mềm gõ nhịp trên smartphone: miễn phí, gọn nhẹ, thuận tiện sử dụng

Tuy tiện lợi nhanh gọn thật đấy, nhưng nếu người đàn không chịu sử dụng thì phần mềm hay cái iPhone của bạn cũng không đủ thông minh để tự bật lên hay nhắc nhở bạn. Tất cả vẫn là ý thức con người mà thôi.

Các band nhạc chuyên nghiệp tên tuổi ở Việt Nam và trên thế giới, khi ghi âm phòng thu và khi diễn liveshow đều trang bị phần mềm gõ nhịp để hỗ trợ họ đạt được sự đều đặn tuyệt đối khi chơi nhạc. Vậy nhưng lạ là người chơi đàn super nghiệp dư lại lười và khó chịu khi “được hỗ trợ”.

Thở dài…

Giảng viên khó tính

Bình luận