Tin Tức & Hoạt Động

Piano Cover – Thử thách cho người học lẫn người dạy

Bạn yêu thích một ca khúc. Ví dụ như “Ngày trôi về phía cũ” hit mới của Trung Quân chẳng hạn. Thuộc nằm lòng giai điệu của nó. Search hợp âm. Ngồi vào đàn ngẫu hứng không lời ca khúc. Hôm sau bạn chơi lại nó – khác với những gì bạn chơi hôm trước. Lúc vui thì có khả năng tạo không khí nhộn nhịp. Lúc buồn thì lại chậm rãi trầm lắng. Bạn đang chơi Piano Cover (hay còn gọi là Semi)

Nếu ai đã từng đi hát karaoke thì hẳn sẽ nhận thấy rõ một ca khúc bạn nghe trên Zing bao gồm 2 phần rõ rệt: phần đệm làm nền và phần giai điệu (hát). Piano Cover đòi hỏi bạn dùng cả 2 tay đàn để chơi 2 phần này. Phần đệm cấu tạo bởi hợp âm và các cách triển khai hợp âm. Như vậy, để cover được ca khúc thì bạn cần biết đôi chút về đệm hát.

Vậy giai điệu thì sao? Người đàn cần rèn luyện khả năng nghe ca sỹ hát mẫu, thuộc kỹ giai điệu và chuyển hóa nó thành nốt nhạc trên đàn. Đây là khâu trừu tượng và khó nhất trong Piano Cover, nơi “năng khiếu” có tiếng nói quan trọng. Nếu khả năng cảm nhận của bạn tốt, bạn có thể nhanh chóng dò ra được phím đàn tương ứng với giai điệu. Nếu khả năng chưa tốt, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn so với đồng môn để rèn luyện. Mọi thứ đều có thể tập luyện được, vấn đề chỉ là thời gian và sự kiên trì quyết tâm của bạn mà thôi.

Hãy thử hình dung 1 lớp học Piano Cover với một vài học viên có nền tảng, độ nhanh nhạy khác nhau. Việc giúp tất cả các học viên cùng đi tới cái đích chung: nghe và chơi lại giai điệu ca khúc trên đàn, trong cùng một quãng thời gian không dài – quả là thử thách lớn lao dành cho người dạy.

Mang tiếng là 2 phần tách biệt, nhưng cả đệm lẫn giai điệu đều phải đóng khung vào một chuẩn chung: nhịp của ca khúc. Không bao giờ có chuyện 2 phần bị vênh nhịp mà có thể lắp ghép được với nhau thành bài được.

cover

Tôi tin rằng khi mới sinh ra, hầu như tất cả mọi đứa trẻ sơ sinh đều có cơ hội phát triển cuộc sống (trong đó có âm nhạc) ngang nhau. Những đứa trẻ nào may mắn được thừa hưởng những “đột biến tốt” sẽ có vẻ như lợi thế hơn, số này rất rất ít. Nhưng thời gian trôi đi, quá nhiều những tác động bên ngoài ví dụ như cách dạy dỗ của phụ huynh, điều kiện và văn hóa gia đình, cộng đồng, trào lưu xã hội… đã khiến cho chẳng đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào khi lớn lên. Tiếc thay, khá nhiều yếu tố mang tính xã hội đã làm cản trở khả năng cảm nhận âm nhạc của người Việt.

Một là: những ca khúc “đi cùng năm tháng” được sáng tác và có những bản thu “kinh điển” phổ biến rộng rãi. Chỉ tiếc rằng rất nhiều bài phá vỡ những chuẩn mực trong âm nhạc – đặc biệt là vấn đề nhịp phách. Đi các quán xá tại Hà Nội không khó để tìm ra những người có tuổi, thậm chí ngay cả thế hệ đầu 8x đệm nhạc hoặc hát bài lúc thì nhịp 3/4, lúc thì nhịp 4/4 cực kỳ tùy tiện.

Hai là: làn sóng của thiết bị karaoke từ thời điểm nửa sau thập niên 90 giống như một chiếc vòi bạch tuộc phun mực đen vào khả năng âm nhạc của người Việt Nam – vốn đã bị hạn chế sau bao năm tháng chiến tranh, bao cấp đói khổ. Nó khá tiện lợi: muốn hát thì cắm mic, bật đầu đĩa chọn bài, có lời tua sẵn trên màn hình. Chỉ có điều sự tiện lợi của chiếc máy hát đó đã bị khai thác triệt để đến mức chây ỳ lười biếng. Ca sỹ lười thuộc lời và thụ động cực kỳ lớn vào việc đầu máy “tua lời”. Hệ lụy là không có màn hình chạy lời, người hát đánh mất khả năng cảm nhận khi nào thì hát, khi nào thì nghỉ. Thêm vào đó, hát hò karaoke luôn đi kèm với rượu bia, thuốc, “láo” nhiệt. Mà đã cơm no rượu say mất đi sự tỉnh táo rồi thì ai hát nên hồn? Gào thật to, phô lòi ra cũng được chẳng ai nhận ra được sai sót của bản thân hay của chiến hữu nữa. Lâu ngày thì thành thói quen xấu mà thôi.

May thay, cùng với sự phát triển và hội nhập, nhạc sống đã quay trở lại với xã hội ta. Thế hệ trẻ ngày nay đã có nhiều tiến bộ trong khả năng hát – cảm thụ để làm tiền đề quan trọng cho việc sử dụng nhạc cụ đệm hát hay cover ca khúc. Chúng ta đã vứt đi vài thế hệ bị “mù hóa” âm nhạc. Trách nhiệm của những người dạy nhạc là đem lại cảm nhận nhạc cho các học viên ngay từ bây giờ, dù còn nhiều thử thách. Có một cảm nhận tương đối ổn, bạn muốn làm gì trên cây đàn cũng đều có thể ^^

Bạn đọc có thể nghĩ người viết quá khắt khe với âm nhạc. Không hề. Việc đàn hát phổ thông sao cho đúng (chưa cần hay) đã trở thành đại trà ở rất nhiều nơi trên thế giới. Hãy nghĩ rằng, mỗi cá nhân đều là tế bào của xã hội, và ngược lại xã hội cũng ảnh hưởng tới mỗi cá thể. Bạn tốt, bạn của bạn tốt, người thân của bạn tốt… đó là một góc xã hội đã tiến bộ lên, và những kẻ không quen biết cũng sẽ có động lực mà tốt theo “trào lưu, số đông”.

Lớp nhạc HDPIANO đang nghiên cứu – sẽ sớm tìm ra cách dạy cảm nhận âm nhạc và Piano Cover trong thời gian tới. Let’s see.

Goldy

Bình luận