Tin Tức & Hoạt Động

Học Piano: HỎI & ĐÁP (phần 5)

*  Học Piano: HỎI & ĐÁP (phần 4)

*  Học Piano: HỎI & ĐÁP (phần 3)

*  Học Piano: HỎI & ĐÁP (phần 2)

*  Học Piano: HỎI & ĐÁP (phần 1)

Hiện nay, cây đàn Piano đã trở nên phổ cập và quen thuộc với người dân Việt Nam. Nhiều gia đình, cá nhân có khả năng và điều kiện trang bị Piano và có nhu cầu học đàn. Tuy nhiên hiểu biết về việc học nhạc cụ này vẫn còn hạn chế dẫn đến nhiều băn khoăn và lo lắng. Trong seri bài viết chuyên mục HỌC PIANO: HỎI & ĐÁP, HDPIANO sẽ tư vấn giải đáp cho người đọc các câu hỏi thường gặp khi quyết định mua đàn cũng như học đàn. Các bạn cũng có thể LIÊN HỆ trực tiếp với HDPIANO để gửi câu hỏi và nhận được giải đáp trực tiếp từ chúng tôi.

HỎI: Học đàn liệu có thể giảm được stress?

Chơi bất kỳ nhạc cụ để tạo ra những âm thanh dễ chịu lọt tai, lẽ dĩ nhiên là có tác dụng xả stress rất lớn.

Tuy nhiên, không phải sau 1 ngày, 1 tuần, hay 1 tháng là người học đàn có thể làm chủ được cây đàn để tự tạo ra những âm thanh “giảm được stress”. Cần phân biệt giữa “chơi đàn” và “nghịch đàn”. Muốn chơi được đàn, bạn phải học, phải kiên trì, phải tập trung cao độ để chơi được những nốt nhạc chính xác, hợp lý. Và nhiều lúc người học sẽ rơi vào trạng thái mất kiểm soát đôi tay, chán nản, bất lực… Quan trọng là sự chăm chỉ tập tành hàng ngày và một ý chí “sắt đá” để tiếp tục rèn luyện.

Người viết đã từng bỏ ra 3 tháng “cày” đàn để hoàn thiện một tác phẩm nhạc cổ điển biểu diễn chỉ trong 5 phút! Cái giá phải trả là rất lớn. Nhưng khi chinh phục xong đỉnh núi, bạn có quyền tự hào khi nhìn lại chặng đường đã leo.

keys

HỎI: Tôi chưa biết gì về đàn, liệu có thể học cổ điển/ đệm hát?

Không thể giải toán lớp 2 lớp 3 nếu không bắt đầu học toán lớp 1. Người học đàn, hay bất kỳ môn gì khác đều cần mạnh dạn, dũng cảm đặt chân lên những bậc thang đầu tiên. Và hãy lưu ý rằng, âm nhạc không phân biệt tuổi tác, trình độ, năng khiếu. Tất cả mọi người sinh ra đều có nhạc cảm trong người, và đều có quyền, có khả năng học nhạc.

Các khóa học Piano cổ điển/ đệm hát cơ bản tại HDPIANO được thiết kế để dành cho người chưa biết gì, mới bắt tay vào học đàn có thể đạt được bước tiến nhất định, có thể nhận thấy rõ ràng khi tốt nghiệp khóa học.

HỎI: Trong các bước để học chơi cover các ca khúc bằng Piano, bước nào là khó nhất?

Bước phức tạp nhất trong khi chơi cover các ca khúc, đó là thuộc kỹ giai điệu của bài và “phiên dịch” giai điệu đó thành những nốt nhạc chính xác hợp lý, thỏa mãn 2 điều kiện: đúng nốt nhạc (cao độ) và “gò” vào đúng nhịp. Thông thường, giai điệu này được đảm nhiệm chủ yếu bởi tay phải.

Quá trình này đòi hỏi việc cảm nhận âm thanh, nốt nhạc thật nhạy! Chỉ cần không đảm bảo được 1 trong 2 điều kiện nêu trên là giai điệu đánh ra trên đàn sẽ hỏng.

Với những người mới tập đàn chưa lâu, việc xử lý các phím đàn màu đen còn ngượng thì cần biết “dịch giọng” để chuyển giai điệu ca khúc thành thành “giọng dễ”, nghĩa là theo các gam Đô trưởng (C) hoặc La thứ (Am). Như vậy, sẽ dễ để chơi giai điệu trên các phím trắng hơn.

HỎI: Tôi hiện mới chỉ có đàn organ ở nhà, liệu có thể dùng nó để tập Piano?

Về nguyên tắc hoạt động cơ bản, đàn organ (chính xác phải gọi là keyboard điện tử) giống với Piano cơ hoặc Piano điện: đàn có phím đen/ trắng, gõ vào phím thì phát ra âm thanh tương ứng của nốt nhạc. Do vậy, trong điều kiện tối thiểu vẫn có thể tạm dùng đàn organ để thay cho Piano. Tuy nhiên có 1 số điều cần lưu ý:

Đàn organ rẻ tiền chỉ có khoảng 60 phím, ít hơn so với 88 phím chuẩn của Piano. Nếu quen chơi đàn organ, bạn sẽ thực sự choáng ngợp và mất cảm giác vị trí đàn khi chơi trên đàn chuẩn.

Đàn organ phím rất nhẹ, khó có tác dụng bổ trợ nâng cao kỹ thuật tay. Nếu quen chơi organ, sẽ rất khó khi làm quen với phím Piano nặng hơn nhiều.

Khi tập chơi đệm hát, lưu ý bạn cần trang bị pedal rời cho con organ của mình.

Gấu trúc

Bình luận