Tin Tức & Hoạt Động

Học Piano: HỎI & ĐÁP (phần 4)

* Học Piano: HỎI & ĐÁP (phần 3)

* Học Piano: HỎI & ĐÁP (phần 2)

* Học Piano: HỎI & ĐÁP (phần 1)

Hiện nay, cây đàn Piano đã trở nên phổ cập và quen thuộc với người dân Việt Nam. Nhiều gia đình, cá nhân có khả năng và điều kiện trang bị Piano và có nhu cầu học đàn. Tuy nhiên hiểu biết về việc học nhạc cụ này vẫn còn hạn chế dẫn đến nhiều băn khoăn và lo lắng. Trong seri bài viết chuyên mục HỌC PIANO: HỎI & ĐÁP, HDPIANO sẽ tư vấn giải đáp cho người đọc các câu hỏi thường gặp khi quyết định mua đàn cũng như học đàn. Các bạn cũng có thể LIÊN HỆ trực tiếp với HDPIANO để gửi câu hỏi và nhận được giải đáp trực tiếp từ chúng tôi.

HỎI: Tại sao cùng một tác phẩm Piano mà anh A, chị B lại chơi hay hơn tôi?

Tác phẩm nhạc, dù là một bài cổ điển hay một phần đệm hát, kết quả đầu ra vẫn là âm thanh xuất phát từ cây đàn do ngón tay gõ lên các phím.

Cây đàn Piano cơ có khoảng 20 mức độ cảm ứng lực nhấn. Với Piano điện thì ít hơn, từ 3-5 mức. Như vậy, những người khác nhau gõ lên cùng một phím đàn sẽ cho ra những âm thanh mang sắc thái khác nhau. Sắc thái ở đây là độ mạnh nhẹ, quan trọng hơn là độ “sâu” của tiếng đàn. Tay đàn càng chắc khỏe thì tiếng đàn càng sâu, càng dễ đi vào lòng người.

Để đạt được độ chắc khỏe nhất định, người chơi đàn phải rèn luyện đôi tay nhằm nâng cao kỹ thuật trong một quá trình dài lâu tính theo đơn vị hàng năm. Không phải cứ tay to dài khỏe là sẽ cho ra tiếng đàn hay. Hầu như toàn bộ những người lớn tuổi ( > 18 tuổi ) khi mới học Piano sẽ rơi vào tình trạng tay run lẩy bẩy. Bởi những sợi gân, thớ cơ phục vụ cho việc cử động tay để chơi đàn sẽ hoạt động theo cách khác hoàn toàn so với các việc khác, kể cả việc chơi đàn Guitar.

Vậy thì hãy: luyện, luyện nữa, luyện mãi để có một tiếng đàn hay.

hands

HỎI: Đệm hát Piano và Guitar có điểm gì khác nhau?

HDPIANO đã có một bài viết so sánh sơ bộ giữa 2 loại nhạc cụ phổ biến này. Với những điểm khác nhau trong cấu tạo, phát thanh và cách đàn, việc ứng dụng trong đệm hát của 2 đồng chí này cũng có những điểm khác nhau cơ bản.

Người chơi Guitar phần lớn sẽ dựa vào các “thế bấm” (xử lý bằng tay trái) để tạo nên các hợp âm tương ứng trong bài hát. Trong khi đó, Piano với số lượng nốt lớn và quãng rộng có thể cho ra nhiều cách kết hợp các nốt tạo thành hợp âm với màu sắc phong phú đa dạng hơn là những thế bấm cố định.

Guitar cho phép dễ dàng kiểm soát và linh hoạt tạo các tiết tấu cho phần đệm qua các thao tác rải tỉa dây, móc và nhất là “quạt chả”. Đặc điểm cấu tạo khiến người chơi Guitar có thể tương tác trực tiếp với dây đàn, từ đó chơi được nhiều hiệu ứng âm thanh hơn như bịt chặn dây, ngắt tiếng, bồi âm… Với Piano, âm thanh phát ra mang tính đồng nhất. Việc tạo tiết tấu trên Piano là công việc cực kỳ khó khăn đòi hỏi tay đàn phải thật chắc khỏe vững vàng.

Chính vì vậy, người chơi Piano để đệm hát cần tận dụng tối đa thế mạnh của nhạc cụ này để làm hay phần đệm. Ví dụ như “làm giàu” hợp âm bằng màu sắc, chơi ở các quãng khác nhau để tạo nên các sắc thái khác nhau, kết hợp các nốt nhạc khác nhau để đem lại hiệu ứng âm thanh đặc biệt… Do đó, đệm hát bằng Piano sẽ có nhiều điểm khác với Guitar.

Với cùng một lượng thời gian ngắn (ví dụ một khóa học tầm 2-3 tháng), người học đệm hát bằng Guitar sẽ cho kết quả nhanh và nhiều hơn so với Piano. Nhưng càng học nhiều và lâu, khoảng cách giữa 2 loại nhạc cụ này ngày càng bị xóa nhòa dần. Nói tóm lại, ở mức độ nhập môn đệm hát, Piano khó học hơn Guitar.

HỎI: Giữa Piano cổ điển và đệm hát, cái nào khó hơn?

Xin được trả lời luôn: ở mức độ cơ bản bắt đầu học, đệm hát có vẻ dễ học và nhanh cho kết quả hơn so với cổ điển. Sau ít buổi học, các bạn có thể đệm được một số ca khúc yêu thích với cách đệm tối giản. Đó là kết quả có thể trông thấy được. Còn với Piano cổ điển, ngay cả một bài như “Bé lên 3” cũng đã là trở ngại với những người mới học.

Khi học đệm hát, bạn sẽ cần phải thuộc hợp âm (chuẩn và có màu sắc), chuyển qua lại linh hoạt giữa các hợp âm. Ở mức độ nâng cao hơn là tập solo các câu dạo đầu dạo giữa, pha trộn tiết tấu và rèn luyện tư duy để làm sáng tạo phần đệm. Những người với khả năng hát chuẩn (dù là karaoke) sẽ có lợi thế lớn trong việc học đệm hát, khi họ có thể mường tượng lồng ghép giai điệu ca khúc với phần đàn đệm.

Piano cổ điển: bạn sẽ phải học cách đọc bản nhạc, đồng thời cùng lúc dịch được các ký hiệu (không quá nhiều loại ký hiệu đâu) trong bản nhạc lên các phím đàn. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng việc kết hợp các phím đàn đen – trắng lồi lõm theo những cách khác nhau sẽ gia tăng độ khó của bản nhạc. Có những bài nhiều người luyện cả đời cũng không với tới được.

Nhìn chung, bước đầu học cổ điển sẽ phải khổ luyện hơn so với đệm hát.

HỎI: Để chơi Piano cover được các ca khúc cần những bước nào?

Cover ca khúc theo phong cách riêng của bản thân, hay còn gọi là chơi “semi” cho phép người đàn có thể chơi được các ca khúc phổ thông mà không cần bản nhạc. Bạn sẽ phải xử lý cả phần giai điệu lẫn phần đệm bằng 2 tay trên đàn. Để thực hiện việc này ở mức độ cơ bản, có một số công đoạn cần chú ý như sau.

Trước hết phải thuộc lòng giai điệu ca khúc, đồng thời nắm chắc nhịp của bài.

Thứ 2, thuộc hòa thanh (phần đệm) bài

Thứ 3, chọn một giọng để trình bày (thường là Đô trưởng hoặc La thứ cho dễ)

Thứ 4, “dịch” giai điệu của bài thành các nốt nhạc trên đàn tương ứng với giọng đã chọn

Thứ 5, tập riêng giai điệu của bài bằng tay phải cho khớp với nhịp. Có thể sử dụng máy gõ giữ nhịp cho chuẩn

Thứ 6, tập riêng phần đệm bằng tay trái. Lưu ý: hãy đệm theo cách đơn giản để giai điệu bên tay phải được rõ ràng nổi bật và không tự làm khó bản thân. Tránh lạm dụng rải hợp âm bừa bãi!

Thứ 7, ghép 2 tay với nhau. Máy gõ nhịp vẫn luôn là bạn đồng hành để giữ tốc độ đều.

Cuối cùng, tư duy để làm cho bản cover thêm hay. Ví dụ như kết hợp rải & chùm hợp âm ở tay trái, chơi các nốt bè với giai điệu bằng tay phải, kết hợp với tiết tấu (cái này khó) hoặc tạo ra ý đồ thể hiện mới mang phong cách riêng của bản thân.

Gà con

Bình luận