Tin Tức & Hoạt Động

Tản mạn tập 1 về âm nhạc

Một buổi sáng đầu hè, tôi nhễ nhại mồ hôi cầm giỏ quần áo nặng trịch vừa vắt xong lên tầng đem phơi. Bên nhà cậu em họ cách có hơn chục mét đường chim bay, tiếng đàn Piano vọng ra nốt tỏ nốt mờ, lắng nghe thì ra bài “River flows in you” của Yiruma. Mặc dù tay đàn còn chưa thực sự vững vàng, các đoạn đánh nhanh thỉnh thoảng còn bị díu nốt nhưng bản nhạc và tiếng đàn non nớt đó đem lại trong lòng tôi một sự yên bình khoan khoái đến khó tả. (Ngoài lề một chút, cậu em họ mới học tôi được gần 1 năm, cũng bỏ học đàn lâu lâu để lo thực tập tốt nghiệp đại học, bài River này là thích mà tự tìm bản nhạc tự học)

Xã hội ta từ xưa vốn có câu “Xướng ca vô loài”, nhằm hạ thấp danh phẩm của những kẻ theo nghiệp đàn hát. Cũng đúng thôi, âm nhạc ngày xưa chỉ để phục vụ mua vui cho vua quan, cung đình mà thôi. Nhưng mỗi thời mỗi khác. Với sự “xâm lăng” ồ ạt của văn hóa và văn minh phương Tây, quan niệm đó dần thay đổi. Nghề nhạc, đôi lúc vẫn còn bị “rẻ rúng” ở Việt Nam, nhưng đang ngày càng có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển xã hội. Nhà nhà mua đàn, người người học đàn. Xem chừng câu tục ngữ trên phải dần đổi thành “Xướng ca MUÔN loài” mới đúng. Tại sao chúng ta thích nghe chim hót mà lại không thể thích nghe người đàn – người hát?

Âm nhạc, thực sự nó là một phần bản ngã của con người. Nó được đấng tối cao tạo hóa ban cho con người để làm cuộc sống mềm mại tươi đẹp hơn. Thật khó và hiếm để gặp được một kẻ dám tuyên bố rằng không thích âm nhạc. Khi cuộc sống dần trở nên ấm no hơn, cái bản ngã đó ngày càng có điều kiện để phát tiết. Đã bao giờ các bạn tự hỏi và trả lời thành thật tại sao mình lại yêu nhạc và muốn học nhạc chưa?

Tôi muốn học đàn vì tôi yêu âm thanh của cây đàn Piano, Guitar, Violin… Câu trả lời rất bản ngã và cũng rất chung chung. Không có lý do cụ thể, không có toan tính, yêu là yêu 😛

Tôi muốn học đàn để có thể tự thưởng thức, thỏa mãn đam mê cá nhân, giúp bản thân thư giãn sau những giờ làm việc học tập mệt nghỉ

Tôi muốn học đàn vì quanh tôi bạn bè người thân ai ai cũng chơi đàn được. Tôi không thể thua kém họ được.

Tôi muốn học đàn để nâng cao vị thế trong xã hội. Kẻ biết đàn biết hát, có tài lẻ sẽ được xã hội kính nể, coi trọng hơn. Hãy tưởng tượng mình đi cùng 1 nhóm bạn tới quán uống café, quán có cây đàn và mình lên sân khấu độc tấu?

Tôi muốn học đàn để tìm kiếm cơ hội cá nhân, hỗ trợ công việc tay phải. Sếp sẽ sử dụng tôi nhiều hơn trong các dịp đặc biệt nếu biết tôi có khả năng chơi đàn.

Tôi muốn học đàn vì tôi xác định bản thân sẽ đi theo nghiệp cầm ca. Nghề nhạc sẽ nuôi sống tôi và gia đình, dù là dạy nhạc, diễn nhạc hay làm nhạc.

Tôi muốn học đàn để tìm tòi những cái mới, phát triển nền âm nhạc hiện có. Lý do này thật cao thượng nhưng cũng tràn đầy khó khăn.

Còn rất rất nhiều lý do cho việc học đàn, nhưng chung quy lại, bạn đọc đều thấy sự phổ thông hóa của âm nhạc đang diễn ra trong xã hội ngày nay. Cách đây hơn chục năm, cuộc thi Sao Mai trên truyền hình lựa chọn giọng hát hay đã là thứ gì đó lạ lẫm mới mẻ. Rồi chúng ta có Trò chơi âm nhạc, Bài hát Việt, Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc… Mới đây là Hòa âm ánh sáng. Rất nhiều người không chuyên bước lên sân khấu âm nhạc, dù họ còn rất trẻ. Bỏ qua những chiêu trò phía sau cánh gà, chúng ta đều thấy xã hội đang chuyển mình lắc lư cùng âm nhạc. Nó đã trở nên một thứ giá trị gia tăng cần có, giống như việc biết 1 hay nhiều thứ ngoại ngữ. Vậy còn chần chừ gì nữa mà không tiến tới cánh cửa âm nhạc?

Để kết lại câu chuyện tản mạn này, tôi xin mượn một câu chuyện khác tưởng như không liên quan. Câu chuyện “Chúa tể của những chiếc nhẫn” mà rất nhiều bạn yêu phim ảnh, yêu đọc truyện đều biết. Nhà văn JRR Tolkien sáng tạo nên một thế giới huyền thoại dựa trên những ghi chép tuyển tập từ thần thoại các nước châu Âu. Trong đó, ông giải thích về sáng tạo vạn vật thông qua việc đấng tối cao Eru Illúvatar tạo ra một giai điệu âm nhạc nguyên sơ cùng với các vị thần đầu tiên (Ainur). Các vị thần này dựa trên giai điệu gốc để tiếp tục sáng tạo ra muôn loài, trong đó có loài người. Chi tiết này cho thấy từ xưa rất xưa, con người đã coi âm nhạc là một yếu tố quan trọng không thể tách rời của cuộc sống. Chúc các bạn sớm đến với âm nhạc, yêu nhạc và thể hiện âm nhạc qua lời ca tiếng hát cũng như sử dụng các nhạc cụ phổ thông. 

Hoàn Dark

Bình luận