Tin Tức & Hoạt Động

Một số “sai lầm” cơ bản của người mới học Piano

Piano, dù là một nhạc cụ phục vụ nhu cầu giải trí bản thân là chính, nhưng để “chơi” được thì bạn cần phải HỌC. Học nghiêm chỉnh, học có phương pháp đúng đắn thì mới có kết quả, nghĩa là thấy được thành tựu, sự tiến bộ của bản thân sau 1 quãng thời gian nhất định. Bài viết liệt kê ra những sai lầm cơ bản trong nhận thức của người mới học Piano mà tác giả đã được trải nghiệm.

1. Không biết mình phải học gì

Không ít trường hợp mới học đàn, vừa muốn chơi được “Thư gửi Elise”, vừa muốn tự đệm hát được “Nỗi nhớ mùa đông” của Phú Quang. Nghĩa là bạn vừa muốn học Piano cổ điển và Piano đệm hát cùng lúc. Đây là một sai lầm cơ bản, vì mỗi tác phẩm cần những hướng tiếp cận học – daỵ khác nhau. Chúng tôi cam đoan rằng, bạn chỉ phí hoài thời gian, công sức, tiền bạc khi học kiểu 2 trong 1 như thế này. HDPIANO đã có bài viết về định hướng việc học đàn Piano, các bạn có thể tham khảo để lựa chọn hướng đi thích hợp nhất ngay từ đầu nhằm tăng hiệu quả trong việc học nhạc.

piano rose

2. Chỉ cần học Piano trên “mạng” là đủ

Internet, diễn đàn, Youtube ra đời đem đến cho người dùng cơ hội tiếp cận với các bài hướng dẫn cách chơi từng nhạc phẩm. Chỉ cần gõ tên tác phẩm, search web là ra cả đống clip hướng dẫn. Với những người chưa biết gì mới học đàn, việc “bắt chước” y hệt từng nốt bấm như clip biến chúng ta thành một con vẹt không hơn không kém. Thời gian học kiểu này rất lâu, và học bài nào biết bài đấy không hơn không kém. Chưa kể những bản cover khó quá thì xin thưa là không bao giờ có thể bắt chước được. Tại sao các bạn không học theo phương pháp để nắm được cách chơi nhạc, để được trang bị kỹ thuật đủ để chơi các bản nhạc bạn thích? Clip Youtube chỉ hữu dụng khi bạn cần tham khảo phong cách và nhạc cảm của người chơi mẫu chứ không phải là nơi copy-paste.

3. Tập nhanh, tập đốt cháy giai đoạn

Người mới đến lớp học đàn rất hay phạm phải sai lầm này. Sự háo hức, nôn nóng đạt đến mục đích cuối cùng khiến người học coi thường, xao nhãng việc tập những thứ cơ bản nhàm chán như luyện ngón, chạy gam, chơi bài tập bổ trợ… Giống như việc đi từ tầng 1 lên tầng 2 phải bước bộ 10 bậc thang, bạn sẽ không thể nhảy thẳng 1 phát được (đến bay như Triển Chiêu cũng phải học mệt nghỉ). Những “thứ cơ bản nhàm chán” mà tôi vừa liệt kê trên là những yếu tố cơ bản giúp bạn nâng cao kỹ thuật và độ nhanh dẻo của đôi tay để bạn chơi được các tác phẩm mong muốn đấy! Vậy hãy yên tâm và đừng nóng ruột nhé ^^

4. Ngồi đàn sai tư thế, không cắt móng tay

Những thứ đơn giản vặt vãnh thế này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả học đàn. Bạn phải điều chỉnh ghế ngồi khi tập đàn sao cho độ cao và khoảng cách tới đàn vừa phải, thoải mái khi tập. Cũng đừng thoải mái quá mà vắt chân, ngồi xổm, ngồi lệch, ngồi chéo khi luyện đàn. Lâu dài ảnh hưởng đến cột sống đấy. Bạn cũng cần cắt móng tay thật sát khi chơi đàn. Một bộ móng dài vừa tạo nên những tiếng lạch cạch khó chịu khi gõ phím, vừa hạn chế cảm nhận khi tiếp xúc phím đàn, gây ra tình trạng “gãy” ngón tay trông rất xấu. Chưa kể khi không kiểm soát được lực nhấn, gãy móng bật máu thì xác định đau đớn nghỉ tập cả tuần.

5. Lười và lười

Vấn đề muôn thuở của người học đàn. Xác định đàn là món ăn giải trí nên phần lớn người tập không chuyên có tâm lý coi nhẹ, tập thì tốt mà ngừng tập cũng chẳng chết ai. Có muôn vàn lý do biện hộ cho việc lười đàn. Tôi phải đi công tác 2 tháng nên không đàn được. Đợt này thi cuối kỳ nhiều quá, tôi cũng không tập kịp… Vân vân và vân vân. Nếu bạn xác định chưa thể thu xếp bố trí tập đàn thường xuyên được, ít nhất là trong phạm vi khóa học đàn thì tốt nhất là tạm hoãn giấc mơ đàn lại đã. Giống như việc học ngoại ngữ (cái này chắc là thiết thực hơn đàn nhiều) bạn cần dành thời gian rèn luyện thường xuyên. Học mỗi ngày đều đặn 30 phút sẽ hiệu quả hơn nhiều so với “chơi” 6 ngày và dồn 3 tiếng liền cho ngày Chủ Nhật. Các thớ thịt, bó cơ, dây chằng trên đôi tay cũng cần thời gian để thay đổi và thích nghi chứ.

Hoàn Dark

Bình luận