Tin Tức & Hoạt Động

Phân biệt các loại đàn Piano

Piano trước đây là một nhạc cụ khá “quý tộc”, thường dùng để biểu diễn trong cung đình hoặc các phòng hòa nhạc Châu Âu. Ngày nay, cùng với xu hướng phát triển của xã hội văn minh và công nghệ, Piano đã trở nên phổ thông toàn thế giới. Nhiều người, nhiều gia đình đã có điều kiện sắm đàn và học đàn. Tuy nhiên không phải ai cũng có hiểu biết thật sự thấu đáo về cây đàn này. Trong khuôn khổ bài viết, tôi đề cập đến việc phân loại các loại đàn Piano, đúng hơn là các nhạc cụ phím gõ hay gặp hiện nay tại Việt Nam.

A. PIANO

Cây đàn Piano (hay còn gọi là dương cầm) là 1 nhạc cụ kích thước lớn, khá nặng, vỏ ngoài làm bằng gỗ, bên trong có khung gang, vừa là hộp cộng hưởng, vừa là chỗ căng các dây đàn. Đàn có 7 đến 7,5 quãng (84-87 phím). Khi gõ vào phím đàn (phím trắng & phím đen), qua cơ chế cơ học, 1 chiếc búa tương ứng với phím vừa gõ đập xuống dây đàn khiến âm thanh được cộng hưởng và vang lên. Do hoạt động hoàn toàn bằng cơ chế cơ học, Piano có thể chơi được mọi lúc mọi nơi (không cần nguồn điện) và độ bền cao hơn so với 2 loại đàn đề cập bên dưới ở mục B và C. Định kỳ, người sở hữu cần lên lại dây đàn để âm thanh phát ra được chuẩn.

Piano đứng Yamaha

Có 2 loại Piano. Piano đứng (upright piano) là loại chúng ta hay gặp nhất với khung đàn đứng thẳng dọc. Nhỏ gọn, phù hợp với gia đình, người mới học, quán xá nhỏ, giá thành vừa phải. Piano đứng lại chia làm 2 loại chính dựa trên chiều cao của hộp đàn là loại 1m21 và 1m31. Loại thứ 2 là Grand Piano (đại dương cầm) với khung đàn nằm ngang. To lớn, hoành tráng, âm thanh rất tốt, chi phí cao, hay sử dụng trong biểu diễn tại các phòng hòa nhạc, nhạc viện, quán lớn. Grand Piano chia làm nhiều loại dựa trên độ dài của hộp đàn, những con “khủng” có hộp đàn dài tới gần 3m.

B. PIANO ĐIỆN

Nhằm thu gọn kích thước của cây Piano thường, các hãng đàn đã phát triển cây Piano điện với kích thước nhỏ gọn nhẹ nhàng, tăng sự cơ động. Số phím đàn tương tự Piano thường. Tuy nhiên các thành phần nặng nề nhất như khung đàn, hộp gỗ, máy cơ, dây đàn đã được loại bỏ, thay vào bằng các vi mạch điện tử nhằm nhận diện phím gõ và khuếch đại tần số âm qua loa nhỏ tích hợp với đàn. Bên cạnh đó, Piano điện ngày nay còn được trang bị một số tính năng điện tử như giả lập 1 số âm thanh khác ngoài tiếng Piano như Guitar, Harp, Choir…, bộ đếm nhịp, chức năng dịch tone. Khác với Piano thường, Piano điện có nút điều chỉnh kiểm soát âm lượng to nhỏ và có jack xuất tín hiệu ra hệ thống loa lớn hoặc tai nghe, giúp Piano điện ứng dụng khi cần chơi nhạc yên tĩnh ban đêm và chơi trong band tại các show nhạc lớn, ồn ào. Và tất nhiên, Piano điện không cần lên dây đàn.

Piano điện Roland

Có nhiều hãng sản xuất Piano điện như Yamaha, Casio, Roland… Giá thành phụ thuộc vào số lượng tính năng điện tử bổ sung. Nhưng quan trọng nhất ở Piano điện là bộ phím. 1 cây Piano điện tốt có bộ phím giả lập lực nhấn gần với Piano thường sẽ giúp người chơi có cảm giác tốt nhất khi gõ phím.

C. KEYBOARD ĐIỆN TỬ

Dân ta trước nay hay dùng thuật ngữ “óoc-gan” (organ) khi gọi tên loại đàn phím này. Thật ra đây là tên gọi sai, vì organ (đàn ống) là một loại nhạc cụ đàn phím kích thước khổng lồ hay sử dụng trong các nhà thờ để phục vụ cho các dàn đồng ca. Thực ra dùng thuật ngữ keyboard điện tử (electric keyboard, hay gọi tắt là keyboard) thì chính xác hơn. Kích thước nhỏ gọn hơn cả Piano điện làm tăng sự cơ động nên hay dùng để đi đánh sự kiện hoặc show nhạc. Cơ chế hoạt động cũng tương tự như Piano điện, dựa trên các vi mạch điện tử, có jack line-out đưa tín hiệu âm thanh ra hệ thống loa lớn hoặc tai nghe. Tuy nhiên, keyboad tích hợp thêm nhiều chức năng hơn, ví dụ như bảng lựa chọn giả lập tiếng nhạc cụ và tiết tấu hết sức  phong phú. Khác với 2 loại Piano trên có pedal (bàn đạp) và giá đỡ tích hợp, người chơi keyboad sẽ phải đầu tư thêm giá đỡ đàn và pedal gắn ngoài. Phím keyboard rất nhẹ nên người chơi quen keyboard sẽ rất khó khăn khi chuyển sang chơi Piano thường. Ngoài ra để giảm kích thước và khối lượng cho keyboard, một số model còn giảm số phím đàn từ 7 còn 5 quãng, bỏ bớt 2 quãng phím ít sử dụng và thậm chí giảm cả kích thước phím đàn chuẩn. Với các đặc tính trên, keyboard chỉ sử dụng để chơi nhạc trẻ, nhạc nhẹ hòa tấu chứ không thể chơi nhạc cổ điển được.

Keyboard Roland

Có 2 loại keyboard. Loại thứ nhất là keyboard có tiết tấu, giúp cho 1 đàn keyboard có thể “ôm hết bầu trời”, đảm nhiệm vai trò của cả band nhạc khi phần trống, bass, dồn nhịp đếu được giả lập sẵn. Loại này thường có loa con tích hợp cùng đàn. Loại thứ 2 là keyboard không có tiết tấu, chuyên về các chức năng liên quan đến âm sắc. Loại này “dân chơi” chuyên sử dụng khi đánh cùng band. Chúng thường không có loa tích hợp, chỉ có line-out để cắm ra hệ thống.

Hoàn Dark

Bình luận